Nếu ai đó hỏi tôi rằng, minh chứng cho thấy một thành phố Hồ Chí Minh năng động, giàu có và thịnh vượng sau 45 năm phát triển, theo anh là gì? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay: Đó là những tòa cao ốc!
Trước Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30.4.1975, thành phố lúc bấy giờ rất hiếm những tòa nhà cao tầng. Khách sạn 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) lúc đó là tòa nhà cao nhất thành phố cũng chỉ có 14 tầng, khách sạn Caravelle cao nhất cũng chỉ có 9 tầng. Đến nay, sau 45 năm phát triển, với hơn 800 tòa nhà cao từ 12 tầng trở lên, trong đó có rất nhiều tòa nhà chọc trời cao 200-460m (có tòa nhà cao nhất Việt Nam), TP.Hồ Chí Minh được ví như đô thị của những tòa nhà cao tầng.
Từ tòa nhà cao nhất Việt Nam
Trong giai đoạn khoảng 10 năm đầu sau ngày giải phóng (năm 1975-1985), chính quyền TP.Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung vào việc khôi phục nền kinh tế, xây dựng các cơ sở trường học, y tế, sản xuất công nghiệp, giải tỏa các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch bị ô nhiễm nặng, ổn định đời sống sống nhân dân. Nhìn chung, giai đoạn này chưa có công trình xây dựng tòa nhà cao tầng nào. Lúc bấy giờ, để tìm được một tòa nhà cao hàng chục tầng tại TP.Hồ Chí Minh gần như là điều “xa xỉ”.
Từ năm 1986 trở đi, thực hiện đường lối đổi mới được Đại hội VI của Đảng xác lập, nền kinh tế dần hồi phục, cuộc sống người dân dần khấm khá hơn, cũng chính là thời điểm mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển của TP.Hồ Chí Minh.
Có thể nói, TP.Hồ Chí Minh những năm 90 bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển của các khu đô thị, những tòa nhà cao tầng, khu đô thị hiện đại dần mọc lên từ các vùng đất đầm lầy, mà tiêu biểu thời bấy giờ là việc thành phố quy hoạch và triển khai xây dựng Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7), là “khu đô thị kiểu mẫu” đầu tiên của thành phố và cả nước. Hai bên đại lộ rộng 100m, dài 17km mang tên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là những khu nhà phố sang trọng, những khu nhà cao tầng, trung tâm mua sắm thi nhau mọc lên tạo động lực cho sự phát triển khu đô thị Nam Sài Gòn vốn là một vùng đất đầm lầy, đầy lau sậy.
Không chỉ khu Nam Sài Gòn, cùng thời điểm đó, khu trung tâm thành phố (quận 1, 3), nhiều tòa nhà cao tầng cũng bắt đầu rục rịch được xây dựng. Năm 1994, Khách sạn New World cao 14 tầng được khánh thành đưa vào hoạt động, cũng là khách sạn 5 sao đầu tiên được xây dựng mới sau năm 1975.
Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1997, một công trình phức hợp, thương mại, giải trí gây sự chú ý nhất với không chỉ người dân TP.Hồ Chí Minh, mà còn thu hút người dân cả nước, đó là tòa nhà Saigon Trade Center 33 tầng nằm trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) được xây dựng hoàn thành. Tòa nhà 33 tầng này, thu hút sự quan tâm của người dân bởi nó được xem là tòa nhà cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ, với chiều cao đến mái cao nhất là 145m và tới đỉnh tháp ăng-ten là 160m. Lúc ấy, người dân thành phố cũng như khách du lịch hay cả ngay bản thân tôi mỗi lần có bạn bè đến TP.Hồ Chí Minh thì câu đầu tiên họ yêu cầu là “Cà phê 33 tầng” – tức cà phê trên sân thượng tòa nhà 33 tầng – khi uống cà phê trên đây họ có thể ngắm toàn cảnh thành phố. Nhưng rồi “Cà phê 33 tầng” ấy cũng sớm lui vào dĩ vãng nhường lại vị trí “nóc nhà” thành phố cho những tòa nhà chọc trời khác lần lượt mọc lên.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển nhà chung cư cao tầng. Trước năm 1975, các tòa nhà chung cư phổ biến 4-5 tầng, chung cư 6 tầng cũng rất hiếm. Nhưng đến năm 1998, tòa nhà chung cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh, cao 18 tầng được đưa vào sử dụng. Đây cũng là tòa nhà chung cư cao nhất thành phố và cả nước lúc bấy giờ, mở ra thời kỳ phát triển các tòa nhà chung cư cao tầng.
Đến cuộc đua của những tòa cao ốc chọc trời
Sau tòa nhà 33 tầng, TP.Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn phát triển rầm rộ các dự án xây dựng các tòa nhà cao tầng. Kết quả là những năm sau đó, nhiều tòa cao ốc hàng chục tầng được mọc lên khắp thành phố (tòa cao ốc Diamond Plaza 22 tầng trên đường Lê Duẩn hoàn thành năm 1999, cụm cao ốc The Manor cao 29 tầng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đưa vào khai thác năm 2007, cụm căn hộ cao cấp Saigon Pearl Tower 1, 2, 3, cao 38 tầng – cao 135m – cũng lần lượt hoàn thành năm 2009…). Trong đó, đáng chú ý nhất khi vào năm 2010, tòa tháp tài chính Bitexco (68 tầng, cao 262,5m) hoàn thành đưa vào khai thác đã phá kỉ lục của tòa cao nhất Việt Nam của Saigon Trade Center (33 tầng, cao 145m) để chào mừng 35 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Nhưng rồi danh hiệu tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam của tòa tháp Bitexco (quận 1) cũng chỉ tồn tại khoảng 2 năm. Đến năm 2012, tòa tháp Bitexco bị soán ngôi bởi tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower tại Hà Nội (72 tầng, với chiều cao đến mái 336m). Tuy vậy, tòa tháp Bitexco vẫn là tòa nhà cao nhất TP.Hồ Chí Minh đến đầu năm 2018.
Và mới đây, tòa nhà Landmark 81 (81 tầng, cao 461,2m, quận Bình Thạnh) hoàn thành, đã vượt lên cả Keangnam Hanoi Landmark Tower (Hà Nội) và tòa tháp Bitexco tại TP.Hồ Chí Minh, chiếm giữ vị trí tòa nhà cao nhất Việt Nam. Đến thời điểm cuối năm 2019, Landmark 81 không chỉ là tòa nhà cao nhất Việt Nam, mà còn là tòa nhà chọc trời cao thứ 16 trên thế giới.
Với xu hướng của một thành phố ngày càng phát triển như TP.Hồ Chí Minh hiện nay, cuộc đua của những tòa cao ốc chọc trời tại TP.Hồ Chí Minh dường như vẫn chưa dừng lại. Vừa qua, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, dự án Empire Tower đang được triển khai xây dựng cũng công bố sẽ xây dựng tòa cao ốc đến 88 tầng, hứa hẹn sẽ phá vỡ kỉ lục tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam hiện nay vào năm 2022…
Thành phố thịnh vượng
5 năm gần đây (năm 2014-2019), nhiều chủ đầu tư tăng tốc đầu tư xây dựng những tòa cao ốc chọc trời tại TP.Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng những tòa cao ốc cao từ 35 tầng đến 81 tầng được hoàn thành, đưa vào khai thác trong giai đoạn này đã lên đến con số 50-60 tòa nhà. Đó là chưa kể hiện có ít nhất 15 tòa cao ốc từ 33 tầng trở lên đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành trong 1-2 năm tới.
Nền kinh tế của TP.Hồ Chí Minh trong những năm qua phải nói là phát triển ấn tượng, tốc độ tăng trưởng hằng năm luôn cao hơn mức bình quân của cả nước. Với chính sách đầu tư cởi mở, kinh tế thành phố phát triển, người dân ngày càng giàu lên, doanh nghiệp ăn nên làm ra thì nhu cầu thụ hưởng cuộc sống (như mua sắm, giải trí, nhà ở hạng sang…) càng tăng trưởng mạnh mẽ; thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến thành phố làm ăn, sinh sống. Và việc thành phố ngày càng có nhiều tòa nhà cao tầng đáp ứng như cầu đó là xu hướng phát triển tất yếu của một thành phố hiện đại, xanh và thông minh.
Với những định hướng phát triển trong tương lai cũng như những chương trình trọng điểm, giải pháp mang tính đột phá mà chính quyền TP.Hồ Chí Minh đã và đang triển khai (xây dựng thành phố thành đô thị thông minh, xây dựng đô thị sáng tạo mang tầm quốc tế, phát triển TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính của khu vực…), chắc chắn trong 5-10 năm tới, thành phố sẽ vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh trong năm 2019 từng nói, TP.Hồ Chí Minh vẫn còn dư địa để phát triển. Do vậy, Trung ương, Chính phủ hết sức tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp tục bứt phá với tinh thần cả nước vì TP.Hồ Chí Minh, TP.Hồ Chí Minh vì cả nước.